Tín Dụng Xanh “Bắt Tay” Nông Nghiệp Sạch

TÍN-DỤNG-XANH-NONG-NGHIEP-SACH

Thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã bắt đầu chuyển hướng triển khai các gói tín dụng mới hướng vào tăng trưởng xanh, ưu tiên các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời…

Sau một thời gian tìm hiểu, chị Vân Trang (30 tuổi, Hà Nội) quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. Tham khảo qua một số ngân hàng thương mại cổ phần, chị nhận được khá nhiều lời mời với các gói tín dụng ưu đãi hấp dẫn.

“Tôi quyết định kinh doanh đầu tư vào nông nghiệp sạch thời điểm này vì nhiều ngân hàng khá ưu ái lĩnh vực này và luôn có các gói tín dụng tốt cho tăng trưởng xanh. Điểm hấp dẫn nhất của tín dụng xanh là lãi suất phù hợp và thường ổn định trong thời gian vay”, chị Trang chia sẻ.

Lãi suất hấp dẫn

Sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án “Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam” tháng 8/2018, tăng trưởng xanh được rất nhiều ngân hàng quan tâm hỗ trợ.

Đối tượng cũng khá đa dạng, không chỉ các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời, tín dụng xanh còn hướng tới các đối tượng, từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, các nhu cầu đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường… cho đến các dịch vụ kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng, nhà xưởng có sử dụng nguyên vật liệu giảm tiêu thụ năng lượng; xây dựng công trình, mua sắm đồ gia dụng, xe ô tô hạn chế thải khí CO2; triển khai dự án hướng đến bảo vệ môi trường.

Đi tiên phong phải kể đến HDBank khi từ đầu năm ngân hàng này đã sớm đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước. Lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường, tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay lên đến 80%, thời hạn vay tối đa 10 năm.

Lãnh đạo HDBank cho biết, ngoài gói tín dụng trên, Ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình liên kết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước, cũng như xây dựng các chương trình xuất khẩu đi kèm các giải pháp tài chính chuyên biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trước đó, HDBank cũng đã dành 7.000 tỷ đồng để tài trợ các dự án năng lượng mặt trời.

Hay mới đây, Nam A Bank và Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds – GCPF) cũng bắt tay triển khai chương trình Tín dụng xanh nhằm tài trợ vốn cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất – kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.

Theo bà Maud Savary Mornet, Giám đốc GCPF Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với chương trình lần này, GCPF và Nam A Bank sẽ đồng hành cùng khách hàng trong các mục tiêu tài chính, cũng như chung tay bảo vệ môi trường.

“Đây là bước đi đầu tiên của Nam A Bank trong dự án cộng đồng ‘Tôi chọn sống xanh’ được thực hiện trong năm 2019. Theo đó, mức lãi suất ưu đãi dành cho chương trình này khoảng 5-6% năm”, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam Á Bank nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, 17 tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ và các ngân hàng, tổ chức tín dụng này đều đưa ra mức ưu đãi.

Vẫn còn những thách thức

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tín dụng xanh là một xu hướng tất yếu. Hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Tuy nhiên, ông Tín cho rằng, khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai rộng rãi chủ trương này cũng là một thách thức đối với Việt Nam.

“Đồng thời các ngân hàng của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngân hàng trong khu vực, mà trong đó rất nhiều ngân hàng đã đi theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội quốc tế từ trước”, ông Tín lưu ý.

Cũng theo chuyên gia này, để phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả, các ngân hàng sẽ phải đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực cho nhân viên… trong lĩnh vực tín dụng xanh. Việc này sẽ phát sinh chi phí không nhỏ cho các ngân hàng. Hiện tại, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã cơ bản hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC).

Ngoài ra, để được ngân hàng rót vốn, các dự án cũng phải đáp ứng các tiêu chí nhất định vì không phải cứ có yếu tố “xanh” là được duyệt. Cụ thể, theo một số ngân hàng, các dự án phải có lịch sử tín dụng tốt, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ xanh tối thiểu một năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cá nhân còn phải chứng minh được khả năng quản trị và kinh nghiệm của mình. Điều này cũng đặt ra thách thức chung đối với doanh nghiệp là phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị tốt doanh nghiệp.

Hương Giang